"Bài ca yêu nước" Quốc ca Nga

Bài chi tiết: Bài ca yêu nước

Trước sự sụp đổ không thể tránh khỏi của Liên Xô vào đầu năm 1990, nước Nga cần một bản quốc ca mới để định hình lại hình ảnh đất nước và loại bỏ quá khứ của chế độ Xô viết cũ.[37][38] Chủ tịch Xô viết Tối cao CHXHCNXV Liên bang Nga Boris Yeltsin được khuyên nên sử dụng lại bài "Chúa phù hộ Sa hoàng" và chỉnh lại lời. Tuy nhiên ông lại chọn một bản nhạc khác được sáng tác bởi Mikhail Glinka. Bản nhạc có tên là "Patriotícheskaya Pésnya" (tiếng Nga: Патриоти́ческая пе́сня; tiếng Việt: Bài ca yêu nước) là một sáng tác piano không lời được phát hiện sau khi Glinka qua đời. "Bài ca yêu nước" được cử hành trước toàn Xô viết Tối cao Nga vào ngày 23 tháng 11 năm 1990.[39] Bài hát được Xô viết Tối cao phê chuẩn làm quốc thiều mới của nước Nga cùng ngày.[4] Bản quốc thiều này được dự định có hiệu lực vĩnh viễn theo như trong nội dung bản dự thảo Hiến pháp được Xô viết Tối cao thông qua và tham gia soạn thảo cùng Đại hội Đại biểu Nhân dân và Ủy ban Hiến pháp (do Tổng thống Nga đứng đầu). Bản dự thảo ghi:

Quốc ca Liên bang Nga là Bài ca yêu nước được sáng tác bởi Mikhail Glinka. Lời của bài Quốc ca Liên bang Nga sẽ được luật pháp liên bang quy định sau.[40]

Nhưng xung đột xảy ra giữa Tổng thống và Nghị viện đã khiến điều luật trên ít có khả năng xảy ra hơn: Nghị viện càng ngày càng muốn đi tới giải pháp viết lại Hiến pháp Nga 1978, trong khi Tổng thống lại muốn thúc đẩy bản dự thảo Hiến pháp mới, trong đó không định rõ các biểu tượng quốc gia. Sau cuộc khủng hoảng Hiến pháp Nga 1993 và chỉ một ngày trước cuộc trưng cầu dân ý về Hiến pháp (tức ngày 11 tháng 12 năm 1993), Yeltsin, khi đó là Tổng thống Liên bang Nga, ban hành sắc lệnh ngày 11 tháng 12 năm 1993 nhằm giữ lại "Bài ca yêu nước" làm quốc ca chính thức của Nga,[33][41] nhưng sắc lệnh này chỉ mang tính tạm thời do bản dự thảo Hiến pháp (được thông qua một ngày sau đó) đã nói rõ vấn đề này vào trong luật và sẽ được Nghị viện thực hiện. Theo Điều 70 của Hiến pháp, các biểu tượng quốc gia (bao gồm quốc ca, quốc kỳquốc huy) phải có định nghĩa rõ ràng hơn trong các luật sau này.[42] Do đây là vấn đề liên quan đến hiến pháp, nó phải được hai phần ba đại biểu tại Duma tán thành.[43]

Từ khoảng năm 1994 đến 1999, nhiều cuộc bỏ phiếu đã được kêu gọi tại Duma Quốc gia để giữ "Bài ca yêu nước" làm quốc ca Nga. Tuy nhiên việc này đã vấp phải sự phản đối kiên quyết từ các thành viên Đảng Cộng sản Liên bang Nga muốn khôi phục lại bài quốc ca Xô viết.[39] Do bất cứ bản quốc ca nào phải được hai phần ba số phiếu tán thành, sự bất đồng giữa các phe phái tại Duma kéo dài gần một thập kỷ này đã khiến việc thông qua một bài quốc ca không thể xảy ra.

Kêu gọi viết lời

Khi "Bài ca yêu nước" được dùng làm quốc ca, nó chưa từng có lời chính thức.[44] Bài quốc ca tạo cảm giác tích cực với một số người vì nó không chứa đựng những yếu tố từ thời Xô viết, đồng thời cũng là bởi công chúng coi Glinka là một người yêu nước và là một người Nga đích thực.[39] Dù vậy, việc thiếu lời đã khiến "Bài ca yêu nước" thất bại.[45] Nhiều nỗ lực đã được thực hiện nhằm sáng tác lời cho bài quốc ca, trong đó có một cuộc thi dành cho mọi công dân Nga tham dự. Chính phủ đã thành lập một ủy ban xem xét và đánh giá hơn 6000 bài dự thi và chọn ra 20 tác phẩm sẽ được dàn nhạc thể hiện để đưa ra bầu chọn vòng cuối.[46]

Tác phẩm chiến thắng cuộc thi là "Vinh quang, nước Nga!" (tiếng Nga: Сла́вься, Росси́я!, chuyển tự Slavsya, Rossiya!) của Viktor Radugin.[47] Tuy nhiên, không có bài dự thi nào được chính thức chấp thuận bởi Yeltsin hay chính phủ Nga. Một trong những lý do đã phần nào giải thích được việc thiếu lời là mục đích sáng tác ban đầu của Glinka: ca ngợi Sa hoàng và Giáo hội Chính thống Nga.[48] Nhiều người khác cho rằng bài hát này khó nhớ, không truyền được cảm hứng và có phần nhạc phức tạp.[49] Đây là một trong số ít những bài quốc ca không có lời chính thức ở thời điểm đó.[50] Trong khoảng thời gian từ 1990 đến 2000 ngoài "Bài ca yêu nước" chỉ có "My Belarusy" của Belarus[51] (tới 2002),[52] "Marcha Real" của Tây Ban Nha,[53] và "Intermeco" của Bosna và Herzegovina[54] là những bài quốc ca không có lời chính thức.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Quốc ca Nga http://www.khachaturian.am/eng/works/music.htm http://www.mpr.gov.ba/hr/str.asp?id=375 http://www.president.gov.by/press15629.html http://english.people.com.cn/200505/09/eng20050509... http://english.people.com.cn/english/200012/08/eng... http://www.christianitytoday.com/ct/2000/decemberw... http://cis-legislation.com/document.fwx?rgn=1423 http://archives.cnn.com/2000/WORLD/europe/12/08/ru... http://archives.cnn.com/2000/WORLD/europe/12/30/ru... http://abcnews.go.com/International/story?id=82024...